Năm 1991, Chính phủ có Nghị định tách tỉnh Đồng Nai thành 2 tỉnh : tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Để phù hợp với địa giới hành chính và thuận lợi trong quản lý, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và Tổng Công ty Cao su Việt Nam chủ trương thành lập Công ty Cao su Bà Rịa trên cơ sở chia tách 4 Nông trường của Công ty Cao su Đồng Nai nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngày 11-6-1994, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có Quyết định số 362/TCCB/NN thành lập Công ty Cao su Bà Rịa gồm 4 Nông trường : Xà Bang, Bình Ba, Cù Bị và Hòa Bình, với tổng diện tích 13.594 ha.
Qua 15 năm hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống người lao động, Công ty có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn :
- Lúc mới thành lập, vốn lưu động, vốn đầu tư xây dựng cơ bản thiếu, cơ sở vật chất, các phương tiện hiện có lúc bấy giờ chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống công nhân. Công ty chưa có nhà máy chế biến nên phải đưa đi gia công tại các nhà máy của Công ty Cao su Đồng Nai, vì đường vận chuyển xa nên ảnh hưởng đến chất lượng mủ, và rất khó khăn trong mùa cao điểm do thiếu kho bãi.
- Đời sống công nhân lúc bấy giờ còn nhiều khó khăn, nhà tạm, nhà tranh tre còn nhiều; các công trình phúc lợi như đường giao thông, điện lưới... chưa đủ đáp ứng nhu cầu vận chuyển, chế biến mủ, đi lại và sinh hoạt của công nhân. Số lao động dôi dư do sắp xếp lại lao động và phần lớn con em công nhân đến tuổi lao động chưa có việc làm.
- Cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ trong khu vực từ giữa năm 1997 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta nói chung và Ngành Cao su nói riêng, trong đó có Công ty Cao su Bà Rịa. Giá mủ cao su sụt giảm có lúc dưới giá thành, đã làm cho hiệu quả kinh doanh của Công ty sụt giảm nghiêm trọng và tác động không nhỏ đến các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, mở rộng sản xuất và chăm lo đời sống công nhân đang được triển khai lúc bấy giờ. Mãi đến đầu năm 2001, tình hình mới dần dần hồi phục. Đến tháng 9 năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu lại tác động đến nền kinh tế nước ta và Công ty Cao su Bà Rịa cũng chịu ảnh hưởng nặng nề mà dự báo phải vài năm tiếp theo mới có thể hồi phục.
- Cơn bão số 9 cuối năm 2007 đã làm gãy đổ trên 300 nghìn cây cao su khai thác đang trong thời kỳ sung sức nhất, và cũng làm ảnh hưởng đến những diện tích khác. Hậu quả đã làm năng suất khai thác của Công ty giảm mạnh, từ mức xấp xỉ 2 tấn/ha giảm xuống chỉ còn 1,5 tấn. Công ty đã phải tiến hành thanh lý những diện tích bị gãy đổ nhiều để tái canh, dự kiến việc khắc phục hậu quả của bão số 9 phải kéo dài trong 5 năm tới.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, Công ty đã nhanh chóng ổn định cơ cấu tổ chức để tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh. Qua từng năm hoạt động, Công ty đã từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh, chế biến và các công trình phúc lợi công cộng nhằm phát triển sản xuất, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của công nhân lao động.
Ngày 01-5-2004, Công ty đã tách Nông trường Hòa Bình và nhà máy chế biến Hòa Bình ra thành Công ty cổ phần. Đây có thể xem là mô hình đầu tiên trong toàn Ngành và trong cả nước cổ phần hoá một Nông trường quốc doanh gắn liền với một cơ sở sơ chế. Sau khi cổ phần, đơn vị này tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nguồn vốn của doanh nghiệp, đóng góp của doanh nghiệp cho ngân sách và thu nhập của người lao động không ngừng tăng lên.
Sau khi cổ phần hoá Nông trường và Nhà máy Hòa Bình, hiện nay, Công ty Cao su Bà Rịa còn lại 3 Nông trường trên địa bàn huyện Châu Đức, 1 nhà máy chế biến Xà Bang, 1 Trung tâm Y tế và 1 Khách sạn tại thành phố Vũng Tàu với quy mô 64 phòng, đạt tiêu chuẩn 2 sao. Tổng diện tích vườn cây là 8.570 ha (trong đó có 5.099 ha vườn cây khai thác).
Đến nay, qua 15 năm hình thành và phát triển, Công ty đã đạt được một số kết quả như sau :
- Về sản xuất : 15 năm qua, Công ty đã khai thác được 215.885 tấn (vượt 1,63% kế hoạch được giao), năng suất vườn cây tăng từ 1.020 kg/ha (năm 1994) lên 1.810 kg/ha (năm 2006), sau cơn bão số 9, năng suất giảm chỉ còn 1.500 kg/ha. Trong 15 năm qua, Công ty cũng đã thanh lý vườn cây già cỗi, năng suất kém, gãy đổ nhiều để tái canh 4.089,21 ha bằng bộ giống mới có năng suất cao.
Khi thành lập, Công ty chưa có nhà máy chế biến nào, phải đưa nguyên liệu đi gia công tại các nhà máy của Công ty Cao su Đồng Nai. Vì vậy, sau khi thành lập, Công ty đẩy mạnh tiến độ xây dựng nhà máy chế biến cao su Hòa Bình với công suất 6.000 tấn/năm từ nguồn nguyên liệu mủ nước, và lập dự án xây dựng nhà máy chế biến Xà Bang với công suất 15.000 tấn/năm bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó dây chuyền mủ tạp có công suất 3.000 tấn/năm.
Đến tháng 11-1995, Công ty đã đưa nhà máy Hòa Bình vào hoạt động, làm giảm bớt khó khăn cho công tác chế biến. Và đến quý 4 năm 1997, Công ty đưa nhà máy Xà Bang vào sản xuất hai hệ thống mủ tinh công suất 12.000 tấn/năm, và mủ tạp 3.000 tấn/năm. Như vậy, kể từ cuối năm 1997, Công ty đã hoàn toàn chủ động trong công tác chế biến. Đến nay, Công ty đã chế biến 240.787 tấn mủ với các chủng lọai đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế. Sản phẩm của Công ty đã đạt nhiều giải thưởng chất lượng và được công nhận là thương hiệu xanh thân thiện với môi trường.
Phòng Kiểm phẩm Công ty đã được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Việt Nam công nhận “Phòng thí nghiệm” đạt tiêu chuẩn TCVN 5958 : 1995 (ISO IEC Guide 25), mang số hiệu Vilas 045. Đầu năm 2000, Công ty và các nhà máy đã được cấp chứng chỉ “Hệ thống Quản lý chất lượng” đạt tiêu chuẩn ISO 9002. Đến năm 2002, “Hệ thống Quản lý chất lượng” của Công ty và 2 nhà máy được cấp chứng chỉ ISO 9001 : 2000. Kết cấu sản phẩm chế biến chuyển dịch theo yêu cầu của thị trường : loại mủ có giá trị cao như SVR CV chiếm tỷ trọng ngày càng cao.
- Về kinh doanh : sản lượng tiêu thụ hàng năm không ngừng tăng lên, thị trường mở rộng và ngày càng ổn định. Sản lượng tiêu thụ đến nay là 219.250 tấn, lượng hàng xuất khẩu trực tiếp 100.501 tấn. Giá trị tổng sản lượng đạt 3.586 tỷ đồng, trong đó giá trị sản lượng hàng hóa cao su là 3.433 tỷ đồng. Tổng doanh thu 15 năm đạt trên 3.847 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận trong 15 năm qua đạt 1.320 tỷ đồng; nộp ngân sách 480 tỷ 616 triệu đồng.
- Về đời sống công nhân : giữ vững và không ngừng phát triển sản xuất kinh doanh, hàng năm Công ty đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn người lao động và gia thuộc, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện, thu nhập của công nhân trong 15 năm qua tăng hơn 6,5 lần : bình quân năm 1994 là 765.039 đồng/người/tháng, đến năm 2008 đã đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng; nhà ở và các chế độ chính sách cho người lao động được chăm lo đầy đủ; Trong 5 năm đầu, Công ty đã tập trung vốn gần 25 tỷ đồng xây dựng 1.424 căn nhà cấp 4 cho công nhân nhằm xoá hoàn toàn nhà tranh tre, giảm thiểu nhà bán kiên cố. Những năm gần đây bữa ăn giữa ca được tổ chức tốt, các chế độ tham quan nghỉ dưỡng, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, khám sức khoẻ định kỳ... được thực hiện kịp thời.
Ngoài thu nhập từ lương thưởng, hàng năm Công ty còn tín chấp cho công nhân vay hàng chục tỷ đồng từ các nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm cho gia thuộc công nhân; góp phần tăng thêm thu nhập ngoài tiền lương, tiền thưởng. Đến nay, toàn Công ty không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia
Sản xuất kinh doanh có hiệu quả, mấy năm qua, Công ty đã đầu tư trên 32 tỷ đồng để xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm phục vụ sản xuất và nhu cầu đời sống của công nhân, cùng với địa phương đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội phục vụ công nhân và nhân dân trên địa bàn. Hệ thống nhà trẻ - mẫu giáo, trạm xá được đầu tư cải tạo, nâng cấp ngày một khang trang hơn. Đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế Công ty với quy mô 40 giường lưu, phục vụ công tác khám chữa bệnh cho cán bộ - công nhân viên chức và nhân dân trên địa bàn.
Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống công nhân, Lãnh đạo Công ty, các đoàn thể và cán bộ - công nhân viên chức hết sức quan tâm và thường xuyên tham gia các phong trào vận động của địa phương cũng như các hoạt động xã hội, từ thiện như xây dựng nhà tình nghĩa - tình thương, phụng dưỡng gia đình liệt sĩ neo đơn và Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đóng góp vào Quỹ tình nghĩa tình thương của Tỉnh và Tổng Công ty, đóng góp vào Quỹ bảo trợ trẻ em và Quỹ vì người nghèo của Tỉnh, ủng hộ, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt...